Diễn giả không chỉ đơn giản là “nghề” mà còn là nhiệm vụ và sứ mệnh truyền cảm hứng đến cho nhiều người. Đặc biệt là những diễn giả nữ nổi tiếng, với những chuyên môn thành công nhất định, có tầm nhìn, tinh thần vươn lên mạnh mẽ, những người phụ nữ này thật sự khiến nhiều người phải thán phục và luôn học hỏi theo.
Chị Vũ Quỳnh Trang gây ấn tượng với lối tư duy thông minh, bản lĩnh, nguồn năng lượng dồi dào và cảm hứng mạnh mẽ lan tỏa từ người phụ nữ này vừa chứa đựng sự sôi nổi tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ, vừa giàu kinh nghiệm và sự sâu sắc của một nữ Doanh nhân trưởng thành.
Nhắc đến Vũ Quỳnh Trang, có quá nhiều danh xưng mà người ta có thể nghĩ đến, nhà sáng lập các thương hiệu mầm non Linh Trang – Khai Tâm – Hà Linh, đồng thời là chuyên gia tự động hoá quản trị trường Mầm non, Coaching, tư vấn, setup, vận hành. Không chỉ dừng lại ở đó, chị còn mong muốn truyền nguồn cảm hứng đến với các chị em phụ nữ, những chủ trường mầm non, những người làm giáo dục.
Với tư cách diễn giả, được mời diễn thuyết tại các trường, hội nghị, hội thảo, … Nội dung không chỉ hướng tới giáo dục, mà mục đích còn hỗ trợ tới mọi người, cải thiện, nâng cao, đạt được sự xuất sắc trong các khía cạnh cuộc sống như tinh thần, thể chất, tình cảm, gia đình và xã hội.
Cùng tìm hiểu thêm về nữ diễn giả – Doanh nhân trẻ Vũ Quỳnh Trang qua cuộc trao đổi ngắn:
Xin chào chị Vũ Quỳnh Trang! Là Nhà sáng lập – điều hành chuỗi trường mầm non Linh Trang – Khai Tâm – Hà Linh, điều gì đã đưa chị đến với nghề diễn giả?
Công việc làm diễn giả đến với tôi một cách rất tự nhiên. Trong quá trình điều hành Chuỗi trường mầm non, đặc biệt là đến với mầm non không xuất phát từ nghề, nên tôi đã trải nghiệm rất nhiều thành công, thất bại trong quá trình hoạt động, từ đó tôi đã rút ra được những kinh nghiệm quý báu của riêng mình và áp dụng cho công việc. Sau đó, tôi được 1 số anh chị mời chia sẻ về kinh nghiệm thành công của mình để giúp đỡ họ cải cách trường học. Và chính sự thành công của họ khiến tôi nhận ra rằng: “cách nhanh nhất giúp tôi có thể hoàn thành sứ mệnh của mình với các em bé là giúp đỡ những chủ trường mầm non, những cô giáo mầm non phải đem lại sự hạnh phúc cho ngôi trường, và công việc của mình. Bởi vì sẽ có rất nhiều ngôi trường khác, các thế hệ giáo viên khác cùng tôi thực hiện sứ mệnh đó”.
Và từ ấy, không đợi mình giỏi rồi mới chia sẻ, tôi vừa học tập, trau dồi kinh nghiệm, vừa tổ chức các khóa đào tạo về “Tự động hóa quản trị trường mầm non”, và thực sự rất vui khi được các anh chị chủ trường ở khắp nơi trên cả nước đón nhận.
Ngoài các nội dung chia sẻ về quản lý, vận hành trường, tôi cũng tổ chức các buổi đào tạo chia sẻ về kỹ năng, tư duy, tâm thức, nhằm giúp các cô có được những tư duy tích cực để hạnh phúc, bình an trong tâm trí, dù trong công việc hay cuộc sống hằng ngày. Tôi nghĩ, giúp họ có được điều đó mới là cách giúp đỡ trọn vẹn nhất, bởi giáo viên sẽ không thể tạo nên một ngôi trường hạnh phúc khi trong tâm trí đầy rẫy sự bất an và lo lắng.
Và sứ mệnh của coach là “giúp đỡ người khác”, tôi tin tưởng một cách mãnh liệt rằng mỗi chúng ta sinh ra đều có sứ mệnh giúp đỡ người khác. Cuộc sống không đơn giản chỉ là một vòng tuần hoàn khi bạn sinh ra.
Mỗi người, khi đến độ tuổi nào đó dù sớm hay muộn, cũng sẽ chạm đến cột mốc có tất cả mọi thứ trong tay. Khi đó, họ sẽ tự hỏi bản thân rằng “Tiếp theo phải làm gì?”. Cống hiến cho xã hội là nhu cầu cao cả nhất của mỗi người, và tôi đến với nghề diễn giả cũng là vì điều đó.
Vừa là một nữ Doanh nhân điều hành chuỗi trường mầm non vừa là một diễn giả truyền cảm hứng trong giáo dục, hai vai trò này đã mang đến sự tương hỗ như thế nào trong sự nghiệp của chị?
Cả hai vai trò này đều có sự kết nối chặt chẽ với nhau, cùng hướng về mục đích sống và hoài bão của tôi. Nếu những kiến thức tôi chia sẻ chỉ là những điều tôi học được qua sách vở, tôi sẽ không thể giúp học viên của mình “thực chiến” với thực tế của họ.
Mở trường mầm non cũng là 1 ngành kinh doanh và nếu ví “thương trường như chiến trường” thì những kiến thức lý thuyết giống như 1 quan văn đưa ra cơ sở lý luận và chiến lược, kinh nghiệm thực tế sẽ giống như 1 quan võ để thực chiến, sửa sai, rút kinh nghiệm. Và những điều tôi chia sẻ với các anh chị chủ trường, các giáo viên, không phải là những lý thuyết suông, mà đó là những gì đã được thực hành và kiểm chứng.
Doanh nhân giỏi, diễn giả chuyên nghiệp, một người “thầy”, theo chị, mình phù hợp với vai trò nào nhất? Tại sao?
Tôi không dám nhận mình là thầy vì tôi quan niệm rằng chữ “thầy” là do người khác tặng cho mình chứ không phải do mình tự nhận.
Tôi cũng không muốn nhận mình là Doanh nhân giỏi vì để Chuỗi trường mầm non có được thành công ngày hôm nay, có rất nhiều sự hy sinh và cống hiến của các đồng đội, tôi sẽ không thể thành công nếu không có họ. Và Linh Trang – Khai Tâm – Hà Linh, mãi mãi là sự thành công của tất cả những người đã từng – đang và sẽ làm việc tại nơi đây, chứ không là thành công của 1 mình tôi.
Cho nên, có lẽ nếu phải chọn thì tôi thấy mình phù hợp nhất trong vai trò một diễn giả, vì diễn thuyết là công việc tôi không chỉ yêu thích mà còn là công việc tôi làm bằng tất cả đam mê của mình. Còn để đạt đến mức độ “diễn giả chuyên nghiệp”, tôi tự thấy bản thân còn phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều, đồng thời phải “học nữa, học mãi”.
Cùng là một nữ Doanh nhân, chị có nhận xét thế nào về những người nghe, cũng là các nữ Doanh nhân đã tham gia các buổi diễn thuyết của chị? Họ có điều gì gây ấn tượng đối với mình?
Qua tương tác kinh doanh, dạy học và huấn luyện cho nhiều học viên là chủ doanh nghiệp, tổng giám đốc, CEO… cho đến các quản lý, tôi nhận thấy đa phần các nữ Doanh nhân đều có sự “nam tính” hơn hẳn so với những người phụ nữ làm nghề khác.
Vận hành doanh nghiệp đòi hỏi sự quyết đoán, kiên định và cứng rắn. Đặc điểm đó vô hình trung khiến họ mất đi sự nữ tính, dịu dàng. Họ thường chịu nhiều định kiến xã hội hơn nam Doanh nhân, bị áp lực của hình mẫu hoàn hảo “giỏi việc nước, đảm việc nhà” và do đó có khuynh hướng trở nên quá đòi hỏi và khắc nghiệt với chính mình. Họ giải bày với tôi những nỗi sợ sâu thẳm mà họ thường đè nén và nhiệm vụ của tôi là giúp họ thoát ra khỏi những gánh nặng mà họ đã vô thức tự đặt lên vai mình.
Trong guồng quay công việc tất bật, có bao giờ chị cảm thấy quá tải không? Theo chị, một sự nghiệp thành đạt có phải là đích đến viên mãn cuối cùng của một phụ nữ?
Với vai trò là diễn giả và Nhà sáng lập, điều hành, đôi khi tôi cũng cảm thấy mệt mỏi, bởi lịch làm việc dày, có những khi 1 ngày tôi chỉ ngủ 3-4 tiếng, hoặc có những vấn đề phát sinh phải suy nghĩ chiến lược thông nhiều ngày đêm. Nhưng đó chỉ là những mệt mỏi “sinh học” như một người bình thường, và tôi thường cân bằng lại khá nhanh, vì công việc tôi làm cũng là đam mê của tôi, nên tôi hạnh phúc khi được làm việc đó.
Tôi nghĩ rằng tất cả những gì người phụ nữ có được từ danh tiếng, địa vị, tiền bạc, sự ngưỡng mộ đều trở nên vô nghĩa nếu không có gia đình bên cạnh để chia sẻ. Đối với tôi, đích đến cuối cùng của người phụ nữ là xây dựng một gia đình vững chắc để cùng sát cánh đi qua mọi thăng trầm trong hành trình của cuộc sống. Chính vì vậy, bên cạnh công việc, tôi dành nhiều thời gian cho gia đình, đồng hành – thấu hiểu – chia sẻ – yêu thương – cùng nhau trải nghiệm là điều mà cả gia đình tôi cùng hướng tới và dành cho nhau.
Hồng Dinh